Sau sự khan hiếm nguồn cung và trạng thái kẹt thanh khoản cục bộ vào 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn tiếp tục có sự chênh lệch cung cầu lớn.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, trong quý III/2022, nguồn cung trên thị trường Hà Nội chỉ khoảng 3600 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các quý trước được tiếp tục chào bán trên thị trường, tập trung chính ở các quận như Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên. Nguồn cung căn hộ mới được chào bán hiếm, chủ yếu đến từ một số dự án vừa mở bán.
Nguồn cung hạn chế chủ yếu đến từ việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Ba xung lực chính của tài chính tiền tệ vào bất động sản là tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và thuế được kiểm soát chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản, đặc biệt ở loại hình căn hộ chung cư suy giảm.
Nhu cầu của người dân ngày càng gia tăng trong khi thiếu hụt nguồn cung khiến giá căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiết lập một mặt bằng giá mới. Theo dự báo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, mức giá nhà ở bình quân sẽ tăng 10% vào cuối năm 2022.
Trước các biến động của thị trường tài chính thế giới và nguy cơ lạm phát diễn ra tại nhiều quốc gia, bất động sản vẫn được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, một số loại hình bất động sản phục vụ mục đích đầu tư, lướt sóng, dễ bị thổi giá như đất nền, bất động sản công nghiệp hay đất rừng sẽ suy giảm về sức mua. Trong khi đó, các sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu ở thực và đầu tư dài hạn sẽ có tín hiệu thanh khoản tích cực.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết người mua không nên kỳ vọng quá cao mà chỉ nên mua đúng loại hình bất động sản phù hợp với nhu cầu của mình ở nửa cuối năm 2022. Đối với các bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, khách hàng nên lựa chọn những sản phẩm có quy hoạch bài bản, chủ đầu tư uy tín, đặc biệt có thể hoàn thiện sớm công tác xây dựng và bàn giao để giảm bớt rủi ro về pháp lý.
Theo Vietnamnet.vn